“Những cánh gà... từ trên trời rơi xuống”

Vở nhạc kịch ĐHSC của Nguyễn Phi Phi Anh chính thức ra mắt lần đầu tiên vào năm ngoái, năm nay tái diễn trở lại, nằm trong series 35 đêm của dự án ba vở nhạc kịch mang tên “HOPE” (Mộng ước), đã tạo nên một cơn sốt vé hiếm hoi cho sân khấu Thủ đô trong dịp trung tuần tháng 10 vừa qua.  

Về tổng thể của vở nhạc kịch này, chẳng có gì mà tôi không thích. Nhưng, điều làm tôi ấn tượng mạnh là về tư duy đạo diễn sân khấu của Nguyễn Phi Phi Anh.

Ảnh: Mai Lân (Hình ảnh vở "Đêm hè sau cuối")

Khi tấm rèm nhung dần mở ra, tôi giật mình. Sân khấu bục bệ tất nhiên không lạ, nhưng cái lạ ở đây là tính đa năng của nó.

Để giải quyết bài toán: Không gian nhỏ hẹp của L’Espace - vốn “làm khó” về dàn dựng sân khấu, đạo diễn vở đã quyết định lược bỏ những thứ rườm rà của sân khấu truyền thống là phông hậu và cánh gà. Thay vì thế, Phi Anh đưa cánh gà đặt ở mặt tiền, bằng cách thiết kế cánh cửa được phủ rèm đen và chừa một khoảng đất diễn rộng 2 mét. Các diễn viên thay vì đi từ hai bên cánh gà, thì bước từ trong để đi ra ngoài diễn ở sân khấu thứ nhất là mặt tiền.

Sân khấu bục bệ qua xử lý khéo của Phi Anh cũng làm lộ diện thêm một cánh gà nữa ở sân khấu thứ hai trên mặt bục. Theo đó, diễn viên đôi lúc thoắt ẩn, thoắt hiện từ những hố đen trên bục. Đó chính là cánh gà trung tâm, mà tôi gọi đó là cánh gà từ trên trời rơi xuống. Được chia làm nhiều bậc khác nhau, hẳn nhiên sân khấu bục bệ của ĐHSC sẽ khiến các diễn viên rất vất vả trong di chuyển. Nhưng chính những lớp lang thị giác ấy đã góp phần làm dày nên kịch tính của vở.

Ảnh: Mai Lân (Hình ảnh vở "Đêm hè sau cuối")

Ở đây, cái hay của Phi Anh là biết biến nhỏ thành lớn, nông thành sâu. Điều đó trong thiết kế là vô cùng khó. Có người được giao sân khấu to thì lại làm sân khấu co lại, diễn viên không có chỗ diễn. Sân khấu hiểu theo nghĩa thông thường là chiều sâu và chiều rộng, nhưng nhờ bài toán bục bệ thông minh của Phi Anh mà sân khấu đã được mở rộng ra tất cả các hướng: trên xuống, dưới lên, trong ra, hai bên và ngoài vào...

Nhờ tư duy bục bệ, Phi Anh không những điều phối 35 diễn viên ra vào, lên xuống tuần tự, nhịp nhàng mà còn tôn vinh 17 nhạc công chơi live - cũng chính là linh hồn của vở nhạc kịch một cách tài tình.

Thường ra, nhạc kịch và thính phòng thì nhạc công luôn được giấu dưới hố nhạc. Hố nhạc của ĐHSC lại thoắt ẩn thoắt hiện ngay giữa lòng sân khấu, bên trong những bục bệ. Bằng cách đó, Phi Anh vừa giấu được nhạc công, lại vừa khoe được họ, từ những ô cửa sổ trổ ngay dưới chân bục.

Mỗi lúc nhạc được tấu lên, những nhạc công lại tự tay kéo rèm cửa và bất ngờ hiện diện, trong trang phục đáng yêu của người đầu bếp, như ngầm ý đang chuẩn bị một bữa tiệc thịnh soạn về âm nhạc. Kết thúc phần nhạc, họ lại tự tay kéo rèm, trả lại màu đen chủ đạo trên bề mặt. Nhịp điệu đó, thực sự đem lại cảm xúc và sự khác biệt.

Ảnh: Mai Lân (Hình ảnh vở "Đêm hè sau cuối")

Tôi không rõ có phải chủ đích của đạo diễn vở hay không nhưng việc để lộ diện nhạc công, dù chỉ qua ô cửa nhỏ, đã gợi nhớ về hình thức diễn xướng của nhạc kịch cổ truyền. Các loại hình ca kịch truyền thống Việt Nam như tuồng, chèo, cải lương, mà điển hình là chèo, thì nhạc công luôn ngồi trên chiếu sân khấu một cách sinh động và duyên dáng.

Trên tư duy bục bệ, Nguyễn Phi Phi Anh rất khôn ngoan khi sử dụng gam màu đen chủ đạo. Trong hội họa và thiết kế sân khấu, đen là màu hút ánh sáng. Và phải là màu đen, thì nó mới mang đến tinh thần tối giản. Khi chơi ánh sáng, đèn chiếu vào đâu thì hiệu quả spotlight sẽ rất mạnh.

Phá dỡ mọi giới hạn

Trong nghệ thuật nói chung và thiết kế sân khấu nói riêng, trên cả tối giản là lạ. Mới đây, sân khấu dựng lại vở kịch phi lý “Trong khi chờ Godot” (En atttendant Godot) của Samuel Beckett tại mỏ than ở ngoại ô Lisbon (Bồ Đào Nha) đã làm vỡ tim những người làm kịch toàn thế giới.

Vở kịch phi lý nổi tiếng này đã có 700 đoàn kịch danh tiếng dựng, thế nhưng những người mới nhất đã phá vỡ mọi tiêu chuẩn và giới hạn về tạo hình sân khấu. Khi nghe tin mỏ than này có quyết định đóng cửa vì... hết than, họ đã tức tốc xin phép chính quyền thành phố được lấy những hố than sắp hết, những cần cẩu, xe ủi, xe xúc làm bối cảnh và toàn bộ diễn viên chính là... những công nhân thất nghiệp. Hay câu chuyện về nhóm nghệ sỹ mới nhất dựng lại vở “Hamlet” của Shakespeare đã chặn cả phố Wall ở thành phố New York để làm bối cảnh sân khấu...

Vở nhạc kịch "Góc phố Danh Vọng" được diễn trong 7 đêm: 7, 8, 12, 14, 15, 16, 17/11  tại Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace, Hà Nội - Ảnh: Đô Tăng

Đưa ra dẫn chứng này, tôi muốn nói một điều rằng, sân khấu và thiết kế sân khấu ngày nay đã phá vỡ và dỡ tung mọi giới hạn. Chỉ cần người đạo diễn giỏi, dù anh có đưa ra cách thức phi lý nhưng nếu giải quyết bài toán hợp lý thì đều được chấp nhận. Vấn đề anh có đủ tài hay không mà thôi.

Như tôi vẫn nói, nội dung trong nghệ thuật chỉ là cái ga khởi hành, sáng tạo cái mới trong nghệ thuật là cách thức, hay hình thức thể hiện. Như cách nói của nhà lý luận phê bình Hoàng Ngọc Hiến thì đó là “cách kể”.

Cách kể bằng bục bệ, sử dụng màu đen chỗ nét chỗ mài, âm nhạc, ánh sáng, phục trang… của Phi Anh khiến sân khấu của ĐHSC có chất phi lý đó. Tất cả những phi lý đặt trong một tổng thể, làm toát lên tinh thần trẻ, máu lửa và lên đồng.

Vở nhạc kịch "Góc phố Danh Vọng" được diễn trong 7 đêm: 7, 8, 12, 14, 15, 16, 17/11  tại Trung tâm Văn hóa Pháp L'Espace, Hà Nội - Ảnh: Đô Tăng

Một trong những cái lý của nghệ thuật đương đại là... sự phi lý. Một trong những cái quyền của nghệ thuật đương đại là không nhất thiết phải trả lời câu hỏi.

Cái hay của nghệ thuật đương đại là đặt ra câu hỏi trên thực tế đời sống. Điều đó còn quan trọng hơn việc đưa ra câu trả lời.

Cả hai đặc tính đó, ĐHSC của Nguyễn Phi Phi Anh đều có!

Dự định 6 buổi, nhưng cuối cùng ĐHSC – phiên bản 2016 đã phải tăng thêm 5 buổi nữa vì cháy vé. Kết quả này có được là nhờ chất lượng tự thân của vở diễn, với rất nhiều đánh giá tích cực từ công chúng, về một ê kíp trẻ trung, sáng tạo, từ đạo diễn đến dàn diễn viên (100% không chuyên) trong các vai diễn thú vị bà Tị, cô Vân, cu Bi…

Các bản nhạc ngoại nổi tiếng gồm cả ca khúc pop và vài khúc aria của opera được chuyển soạn lời Việt nhuần nhuyễn, cộng với giọng ca của diễn viên khá hơn khiến phần “ca” của ĐHSC - phiên bản 2016 tốt hơn bản 2013. Phần “vũ” được biên đạo trẻ Đỗ Vũ Quang Minh dàn dựng cũng “ép phê”, nhịp nhàng hơn trước.

Bên cạnh đó, phần “kịch” cũng gây ấn tượng mạnh, khi một câu chuyện về cái chết và cái ác... lại được kể một cách rất nhẹ nhàng và hài hước mà vẫn giàu sức nặng triết lý. Nội dung mang nhiều lớp nghĩa, cách tiếp cận công chúng khá bài bản cộng với lối dàn dựng hiện đại, trẻ trung, diễn viên và nhạc công đều chơi nhạc “live” trong suốt hơn 10 đêm diễn... khiến ĐHSC trở thành điểm sáng đáng tự hào của sân khấu kịch Thủ đô – vốn hồi giờ đắm chìm trong ảm đạm.

Bài: Họa sỹ Lê Thiết Cương

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.