Nếu bạn đã biết Halloween là gì rồi thì nên ngưng đọc tại đây và chơi trò phía trên đi, còn không thì hãy đọc tiếp.

Jack o Lantern, một trong những biểu tượng nổi tiếng của Halloween

Khởi nguồn lễ hội Halloween

Halloween (còn gọi là Hóa Lộ Quỷ) có nguồn gốc từ một lễ hội Samhain (phiên âm sow-in) của người Celt cổ xưa. Những người Celt sống ở vùng đất nay gọi là Ireland từ hơn 2,000 năm trước thường tổ chức ăn mừng năm mới vào ngày đầu tiên của tháng 11. Đây là ngày đánh dấu mùa vụ thu hoạch kết thúc, thời khắc chuyển giao giữa mùa hè và mùa đông. Người Celt tin tưởng vào đêm trước năm mới, khi khoảng cách giữa thế giới hiện tại và cõi âm gần như xóa nhòa. Linh hồn người chết trở lại Trái đất. Ngoài việc gây rắc rối, phá hoại mùa màng, sự hiện diện của những linh hồn sẽ tạo điều kiện cho pháp sư Celt đưa ra những tiên đoán cho tương lai.

Đối với người sống hoàn toàn phụ thuộc vào thế giới tự nhiên đầy biến động thì những dự đoán này khiến họ an tâm hơn trong suốt thời gian dài không làm gì trong mùa đông lạnh lẽo.

Trải qua nhiều biến động, Halloween từng bị ngăn cấm ở thuộc địa New England vì luật lệ và tín ngưỡng hà khắc của giáo hội Tin Lành. Về sau, lễ hội “ma quỷ” được cởi trói và truyền sang các dân tộc châu Âu lẫn người Mỹ da đỏ. Từ đây, một phiên bản Halloween khác kiểu Mỹ bắt đầu hình thành.

Trick or Treat?

Vào nửa cuối thế kỷ 19, dòng người nhập cư từ lục địa châu Âu tràn sang nước Mỹ. Những người nhập cư mới này phần lớn là người Ireland đã giúp phổ biến lễ hội Halloween ra toàn cầu. Kết hợp phiên bản của người Ireland cổ và người Anh, người Mỹ biến tấu Hóa Lộ Quỷ theo phong cách của riêng họ. Đến gần ngày này (31.10) họ thích hóa trang thành nhân vật của các bộ phim kinh dị, trang trí trước nhà bằng quả bí ngô khoét rỗng (Jack-O'Lantern). Trẻ em thì đi tới nhà người khác để xin thức ăn hoặc tiền, ngày nay nó trở thành phong tục “trick-or-treat” mà ở Việt Nam còn gọi là “cho kẹo hay bị ghẹo” hoặc “lừa hay lộc”.

“Cho kẹo hay bị ghẹo” trên thế giới

Phong tục “trick or treat” có mặt tại Na-uy từ những năm 1990. Trẻ em thường đi đến gõ cửa từng nhà một và nói, “knask eller knep” hoặc “digg eller deng” – cả hai đều có nghĩa “lừa hay lộc” – khi chủ nhà ra mở cửa.

Bonfire Night, phiên bản khác của lễ hội Samhain được tổ chức ở Sussex, Anh

Tại Turkmenistan và một phần Trung Á, thay vì tổ chức lễ Halloween, trẻ em ở quốc gia này vẫn truyền thống Ramadan, đi đến gõ cửa và đứng hát trước cửa nhà để xin tiền lẻ và kẹo bất kỳ ngày nào trong 9 tháng theo lịch đạo Hồi.

Xứ sở Mặt trời mọc – Nhật Bản, người dân ở đây tuy có biết đến Halloween nhưng họ không tổ chức theo kiểu Mỹ. Người Nhật đón chào lễ hội Obon (còn được gọi “Matsuri” hay “Uarbon”). Lễ hội này tương tự như Halloween ở chỗ nó dành cho các linh hồn của người đã khuất. Thức ăn được chuẩn bị rất kỹ lưỡng, đèn lồng đỏ được treo khắp nơi. Người Nhật còn thắp nến trong các lồng đèn nhỏ và thả trôi trên các dòng sông. Lễ hội Obon thường được tổ chức vào tháng 7 hoặc tháng 8 hằng năm.

Lễ hội Obon tại Nhật Bản, tương tự như Halloween, lễ hội này dành cho những linh hồn đã mất

Tại Romania nơi huyền thoại Dracula ra đời, vào thời điểm gần cuối tháng 10, rất nhiều du khách can đảm đổ về Transylvania để tổ chức Halloween với lễ hội hóa trang, kể chuyện ma, và đóng vai thành ác quỉ hút máu Dracula. Có hai lễ hội ma quỷ trong truyền thống của người Romania, một là Halloween như mọi nơi, hai là “Đêm Thánh Andrew” được tổ chức vào ngày 30 tháng 11.

Lâu đài được coi là nơi huyền thoại Dracula ra đời

Ở Việt Nam, tuy Halloween mới được phổ biến trong những năm gần đây nhưng được giới trẻ đón nhận rất hào hứng. Gần đến lễ hội, nhiều cửa hàng bày bán mặt nạ cũng như trang phục độc-lạ-chất cho các bạn trẻ vui tính thích “hù dọa” người khác, dự tiệc hóa trang hay tổ chức các cuộc thi xem ai hóa trang nhân vật ấn tượng nhất đêm Halloween.

Ăn-Chơi-Xem vào đêm lễ hội Halloween

Rất nhiều hoạt động vui chơi để bạn lựa chọn trong đêm của “ma quỷ” như dự tiệc hóa trang, khám phá ngôi nhà ma, tham gia biểu diễn nghệ thuật đường phố, hay đơn giản hơn là cùng đám bạn thân vừa ăn bỏng ngô vừa xem phim kinh dị.

Một trò chơi bói toán cổ xưa vào đêm Halloween rất thú vị nhưng cũng khá “rùng rợn” cho những cô nàng độc thân muốn tìm chồng tương lai của mình.

Trước tiên gọt vỏ một quả táo thành một dải dài, sau đó quăng vỏ qua vai. Khi vỏ táo rơi xuống đất nó sẽ có hình dạng của chữ cái đầu tiên trong tên vợ hoặc chồng tương lai. Phụ nữ chưa lập gia đình đã nói rằng nếu họ ngồi trong phòng tối và nhìn vào gương vào đêm Halloween, khuôn mặt người chồng tương lai của họ sẽ xuất hiện trong gương. Tuy nhiên, nếu họ chết trước khi kết hôn, một hộp sọ sẽ xuất hiện. Hình thức đó xuất hiện nhiều trên các thiệp chúc mừng từ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Tấm thiệp Halloween cổ : Hình ảnh cô gái gọt vỏ táo để dự đoán tên của người yêu (chồng) tương lai

Gợi ý một vài địa điểm ăn chơi 3 miền:

Tại Hà Nội:

+ The Garden cùng Lễ hội Cosplay

Địa điểm quen thuộc của nhiều bạn trẻ Thủ đo mỗi dịp đến Halloween. Năm 2016 là năm thứ 6 nơi đây tổ chức những chương trình thu hút cho dịp 31.10. Trong đó, nổi trội là lễ hội Cosplay với nhiều nhân vật, mẫu trang phục ma mị nhưng vẫn rất thời trang.

Ngoài không gian vui chơi cùng bạn bè, giới trẻ còn có thể “tiện lợi” sử dụng những dịch vụ khác nhau tại đây như ăn uống, xem phim…

+ The Yard, Phó Đức Chính với “Dance with the ghost”

Trong hai đêm 30 và 31/10/2016 sẽ diễn ra lễ hội âm nhạc EDM, vũ kịch đương đại mang tên “Dance with the ghost” đậm chất Châu Âu cùng Gala tiệc đêm, tiệc hóa trang và thưởng thức ẩm thực đêm. Chương trình hứa hẹn sẽ mang đến những giây phút vui chơi thoải mái cho các bạn trẻ.

Địa chỉ: The Yard, 67 Phó Đức Chính, Hà Nội

+ Học viện Báo chí cùng Hóa Lộ Quỷ

Đây là một sự kiện thường niên được tổ chức bởi các bạn trẻ khoa Quan hệ công chúng của trường Học viện Báo chí và tuyên truyền. Chương trình với nhiều hoạt động sôi nổi như phiên chợ Twilight, chương trình nghệ thuật Cirkle Halloween, nhạc hội Halloween…

Tại Đà Nẵng:

+ Trải nghiệm sự ma quái kỳ bí tại Bà Nà

Toàn bộ không gian của khu du lịch Bà Nà được bao phủ bởi những hình ảnh kỳ dị cùng với những âm thanh huyền bí. Từ những chiếc cabin, cổng chào, đến khu vui chơi, nhà hàng, khách sạn, vườn hoa, hay những con dốc ngoằn ngoèo, những con hẻm cụt… đều được “thay áo” với sự bài trí những hình ảnh kỳ bí đặc trưng mùa lễ hội Halloween. Thi thoảng bóng dáng của những nhân vật đáng sợ nhất sẽ thình lình xuất hiện trước mặt, có khi đứng rình rập đâu đó để chọc ghẹo bạn.

Đêm chính của lễ hội (31/10/2014) sẽ được tổ chức kéo dài đến 12 giờ đêm. Đội hóa trang của khu du lịch này sẽ phục vụ miễn phí cho du khách muốn hóa trang để tham dự lễ hội Halloween tại đây.

 

Tại Tp.Hồ Chí Minh:

+ Sự kiện Closeup FA Escape hot nhất Sài thành

Không chỉ là sự kiện dón chào Halloween thuần túy, Closeup FA Escape còn mong muốn bạn thoát khỏi kiếp “ế” một cách ngoạn mục. Sự kiện tuyệt vời này là đêm hội tụ duy nhất của gần 20.000 FA mỗi đêm (29&30/10), với gần 10.000 cơ hội có thể tìm được “gấu” ưng ý.

Không chỉ giúp bạn thoát kiếp FA, vào đêm 29 bạn sẽ được hòa mình vào những giai điệu EDM bùng nổ của các DJ hàng đầu thế giới cùng sự góp mặt của nhiều ca sĩ hàng đầu như Isaac và Tóc Tiên.

+ District X Presents: Halloween Insomnia

Cùng gặp gỡ “quái vật” và “thây ma” ở dạ vũ hóa trang Halloween và thưởng thức bữa tiệc EDM cùng với nhiều DJ thời thượng trong đêm 28 tháng 10 tại The Lighthouse sẽ cho bạn một bữa tiệc Hóa Lộ Quỷ không thể nào quên.

Địa chỉ: The Lighthouse 104 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 1, TP.HCM.

 + Drink till you Die - Tê Tê Halloween Free Flow

Các tín đồ của craft beer (bia thủ công) sẽ có một đêm uống "thả phanh", "không say không về" trong đêm Halloween tại Indika.

Bạn sẽ ngạc nhiên khi nơi tụ tập uống bia hằng đêm sẽ trở thành Ngôi Nhà Ma Ám. Đến và thưởng thức Tê Tê Craft Beer bắt đầu từ 16:00 đến 20:00. Bạn có thể hóa trang hoặc không hóa trang khi tới tham dự.

Địa chỉ: Indika Saigon (43 Nguyễn Văn Giai, P. Đakao, Quận 1, HCM)

Bài: Johnny

Nguồn ảnh: Internet

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.