Meg Ryan – “Nữ hoàng mất ngôi”

Meg Ryan là mẫu phụ nữ mang lại tiếng cười hạnh phúc mà gần như gã đàn ông nào cũng muốn ở bên. Cô có gương mặt rất Mỹ, đẹp tươi sáng, nụ cười giòn tan, giọng nói quyến rũ, mái tóc xoăn tự nhiên, dáng đi… hai hàng (báo Mỹ gọi là "graceful walk"), hành động thường bột phát, hậu đậu và rất bản năng. Meg đem đến cho những nhân vật của cô sự tương đồng đến kỳ lạ với hình ảnh bên ngoài, đặc biệt là trong những bộ phim rom-com. 

Dù có thể nổi hơn trong hai bộ phim đóng chung với Tom Hanks là “Sleepless in Seattle” (1994) và “You’ve Got Mail” nhưng bộ phim đỉnh cao nhất của Meg chắc chắn là “When Harry Met Sally” (1989). Cặp đôi vô tiền khoáng hậu, khác biệt về mọi thứ nhưng dường như sinh ra để dành cho nhau đã giúp bộ phim thành công vang dội, giữa thời điểm dòng phim rom-com đang bị bão hòa do cạn kiệt ý tưởng. Hành động giả vờ cực khoái của Sally trong quán ăn trở thành kinh điển; lời của bà lão cô đơn ngồi bàn bên cạnh (“Cho tôi món mà cô ta vừa ăn”) trở thành 1 trong 100 câu thoại xuất sắc nhất của điện ảnh Mỹ thế kỷ 20; còn bản thân bộ phim này thì đứng thứ 6 trong 10 bộ phim rom-com vĩ đại nhất thế kỷ 20. 

Meg trở thành một biểu tượng của dòng phim lãng mạn, một tên tuổi không ai sánh kịp, cho dù đó là Julia Roberts hay Demi Moore, nếu đạo diễn cần tìm một nữ diễn viên mang lại tiếng cười và tinh thần lạc quan cho khán giả. Nên nhớ, nhờ Meg từ chối vai diễn mà Julia Roberts mới có “Pretty Woman” và Demi Moore mới có “Ghost”; thậm chí, Jodie Foster đoạt Oscar nhờ “The Silence of the Lambs” cũng vì Meg vướng lịch diễn. Tất nhiên có cả đống kịch bản rom-com khác để Meg chọn lựa, trong suốt thập niên 90, như: “When a Man Love a Woman”, “French Kiss”, “Addicted to Love”, “City of Angels”…, đặc biệt là bộ ba phim đóng chung với Tom Hanks. Cuối thập niên 90 và đầu những năm 2000, Meg từng nhận cát-sê lên tới 15 triệu đô la cho một phim, như “Kate & Leopold”, “Proof of Life”, nhưng cả hai bộ phim này đều không thành công, và đó cũng là dấu chấm hết cho vị trí nữ hoàng rom-com của Meg, khi cô đã ngoài 40 tuổi.

Áp lực tuổi già và sự xuống dốc của sự nghiệp khiến Meg có một loạt hành động sai lầm: ngoại tình với bạn diễn Russell Crowe, bỏ chồng, chọn nhầm kịch bản, và tệ nhất có lẽ là… phẫu thuật thẩm mỹ. Trong vòng 8 năm, Meg gần như vắng bóng tại Hollywood, hoặc chỉ xuất hiện với những vai diễn mờ nhạt. 

Meg Ryan

Nhưng vẻ như Meg vẫn chưa thể từ bỏ điện ảnh. Năm 2015, cô tập trung cho “Ithaca”, một dự án điện ảnh nhỏ với vai trò đạo diễn và đóng một vai phụ.“Ithaca” nhận về những lời phê bình khá tiêu cực và chỉ chiếu ở vài rạp nhỏ. Nhưng Meg, ở tuổi 55, vẫn quyết định theo đuổi điện ảnh, với một dự án mới của dòng phim lãng mạn hài, ở vị trí… đứng sau ống kính.

Renee Zellweger – “Tiểu thư thất sủng”

Renee Zellweger thua Meg Ryan 8 tuổi và nổi lên sau Meg cũng khoảng từng đó thời gian. Renee bắt đầu sự nghiệp với dòng phim độc lập và kinh dị, tỏa sáng nhờ đóng với Tom Cruise trong “Jerry Maguire” (1997). Cô tiếp tục khẳng định tên tuổi với một vài phim sau đó, bên cạnh các đàn anh đàn chị như Meryl Streep trong “One True Thing” (1998) hay Jim Carrey trong “Me, Myself & Irene” (2000) và thực sự cất cánh với “Bridget Jones’s Diary” (2001), bộ phim hài lãng mạn về cô nàng Bridget béo ú, hậu đậu, tuyệt vọng đi tìm tình yêu. "Nhật ký của Bridget Jones" tạo được sự đồng cảm với hàng triệu phụ nữ trên thế giới, đồng nghĩa với sự thành công vang dội. Renee Zellweger thậm chí còn giành được một đề cử Oscar cho Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất, điều hiếm hoi với một nữ diễn viên của dòng phim rom-com, điều mà ngay cả Meg Ryan cũng chưa bao giờ đạt được. 

Renee Zellweger

Năng lượng lan tỏa trong vai diễn và sự biến hóa của Renee khiến người ta phải kinh ngạc. Ngay sau “Bridget Jones’s Diary”, cô tiếp tục có đề cử Oscar thứ 2 với vai Roxie Hart trong bộ phim nhạc kịch “Chicago” (2002) và một năm sau đó giành được tượng Oscar đầu tiên với “Cold Mountain” (2003), đóng cùng Nicole Kidman và Jude Law. 

Renee cũng đạt đến đỉnh cao của dòng phim rom-com với mức cát-sê 15 triệu đô khi quay trở lại với cô nàng Bridget Jones vào năm 2004. Phần 2 dù không thành công như phần đầu theo phản hồi của giới phê bình, nhưng vẫn gặt hái lớn về doanh thu, đưa cả hai tập phim này cán mốc 500 triệu đô la trên toàn cầu, điều hiếm thấy với một bộ phim rom-com.

Và sau đó là một giai đoạn khủng hoảng của Renee. Những bộ phim liên tiếp thất bại, cuộc hôn nhân với ngôi sao nhạc đồng quê Kenny Chesney chỉ kéo dài vài tháng. Năm 2010, sau bộ phim “My Own Love Song” thất bại nặng nề, Renee biến mất khỏi Hollywood trong 6 năm và chỉ hãn hữu mới xuất hiện, và trở thành nhân vật chính của một bài báo gây tranh cãi dữ dội, xung quanh quyết định phẫu thuật thẩm mỹ của cô. 

Ở tuổi 47, dù nhan sắc đã bị phẫu thuật làm biến dạng, Renee vẫn tìm cách để tận hưởng cuộc sống một cách tích cực nhất như dành thời gian sống ở trang trại, tham gia một khóa học kịch bản ở trường điện ảnh danh tiếng UCLA… Cô đang có mối quan hệ ngọt ngào với nghệ sĩ ghi ta Doyle Bramhall. Nàng tiểu thư Jones quay trở lại khá thành công trong phần 3 (lần này với vai trò làm mẹ) cho thấy series này vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại.

Meg Ryan và Renee Zelleweger – hai biểu tượng của dòng phim rom-com, hai ngôi sao nữ mang đến tiếng cười và sự tự tin cho hàng triệu phụ nữ trên thế giới qua những bộ phim chick-flick, nhưng chính bản thân họ cũng đối mặt với tuổi già và sự xuống dốc của sự nghiệp – hai phép thử nghiệt ngã ở Hollywood. Và đôi lúc họ có những quyết định sai lầm. Nhưng điều quan trọng hơn, sau nhiều năm biến mất, cả hai đều đã trở lại, không phải để tìm kiếm hào quang của quá khứ, mà để sống đúng tuổi của mình và tiếp tục theo đuổi niềm đam mê đã chọn. Vậy “Tại sao chúng ta chỉ nói về vẻ ngoài của phụ nữ, thay vì sự đóng góp của họ?” – như Renee Zelleweger từng “phản pháo”. 

Bài Lâm Lê

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.