Trảng Bàng có món bánh canh 
Múc ra còn nóng mời anh ăn liền

Trảng Bàng, thị trấn nhỏ nhoi khiêm tốn nằm trên vùng biên ải gần biên giới Campuchia, cách Sài Gòn chẳng bao xa. Miền đất nầy có cư dân sinh sống lâu đời nhất tỉnh Tây Ninh. Giờ đây dù làng xưa đã trở nên đô thị đông vui, sầm uất nhưng người dân nơi đây vẫn còn giữ được những món ăn dân dã xa xưa của ông bà mình. Độc đáo bánh canh Cô Ba Trảng Bàng

Nhưng quan trọng hơn hết đây là một nét văn hóa ẩm thực độc đáo đặc trưng rất riêng biệt mà thực khách chỉ có thể cảm nhận được tại vùng đất Đông Nam Bộ gần núi Bà Đen này. Đó là những tô bánh canh giò heo nghi ngút khói tỏa vị thơm ngọt đậm đà của nước lèo. Đó là những chiếc bánh ú lá tre xanh mướt dẻo thơm. Nhưng đặc biệt khó quên nhất chính là món bánh tráng phơi sương cuốn thịt luộc nổi tiếng. 

Bánh tráng phơi sương Trảng Bàng có tự khi nào không ai còn nhớ nhưng có lẽ món nầy sinh sau món bánh canh. Vì thế, dù bánh tráng phơi sương đã trở thành món ẩm thực chủ lực đưa thương hiệu bánh canh, bánh tráng Trảng Bàng đến tận các miền đất xa xôi và xuất khẩu đi các số quốc gia trên thế giới, nhưng những người con xứ Trảng vẫn giữ nguyên tên gọi là  tiệm bánh canh.

Món Bánh Canh và Bánh Tráng Phơi Sương  là niềm tự hào mỗi khi nhắc đến nơi chôn nhau cắt rốn của  người xứ Trảng. 

Cô Ba Thu Hà kể: Thời xa xưa, bà ngoại chúng tôi là người gánh từng gánh bánh canh đi khắp thị trấn Trảng Bàng bán dạo nuôi sống gia đình. Từ đời má tới thời chúng tôi, bà ngoại truyền bí quyết lại cho chúng tôi từ cách luộc thịt heo, cách pha nước lèo. Sáo nước lèo, tuy ít dùng bột ngọt nhưng nước lèo vẫn ngọt lịm và đậm đà, vì luộc thịt bằng nước giếng nhà chỉ có ở Trảng Bàng mới ngọt và mát lạnh. Luộc thịt bằng bếp vỏ đậu phộng, rồi nào là cách pha nước mắm, cách nhận biết cọng bánh canh ngon vừa miệng người dùng… nói chung là kỳ công lắm mới có quán bánh canh giò heo, thịt heo luộc cuốn bánh tráng phơi sương Út Huệ nổi tiếng như ngày nay.

Mô tả ảnh
 

Bánh tráng phơi sương, là “đàn em” của tô bánh canh, những tô bánh canh nóng hổi nghi ngút khói hòa quyện vị cay của ớt đỏ, tiêu đen, mùi thơm nồng dịu của hành lá, vị chan chát, đăng đắng của rau rừng khó cưỡng lại được thèm muốn thưởng thức. Theo cách diển tả của cô Ba Thu Hà, những chiếc bánh tráng sau khi được nướng trên bếp than hồng rực lửa, đợi màn đêm buông xuống đem ra sân phơi để bánh tráng nhận những đợt sương sớm trở thành những chiếc bánh thơm ngon, mềm dẻo. Dường như những chiếc bánh sau khi hấp thụ sương đêm, tinh hoa của đất trời, làm chiếc bánh trắng ngần trở nên ngon ngọt hơn, và chỉ riêng xứ Trảng Bàng mới có thể làm ra được những chiếc bánh như vậy.

Sương đêm Trảng Bàng kỳ diệu đã thấm đẫm vào những chiếc bánh tráng cũng chỉ có ở Trảng Bàng, không thể có ở nơi khác. Hương vị ngọt ngào đậm đà của những miếng thịt luộc bởi nước giếng Trảng Bàng ngọt lịm xắt mỏng, vị ngòn ngọt mằn mặn của nước chấm hòa quyện với cái cay nồng của húng lủi, cần nước, tía tô, diếp cá, hẹ, ngò… là rau thơm trong vườn, cùng các loại rau rừng, rau sông mà người hái phải đi tìm dọc hai bờ Vàm Cỏ Đông.

Chúng mọc tự nhiên quanh các triền sông và sống nhờ vào hơi thở của sông nước. Các loại rau này không bóng bẩy nhưng cũng đủ vẻ mơn mởn, tươi xanh để hấp dẫn thực khách. Đó là màu xanh của ngọn bù lời, màu đỏ bầm của rau trâm ổi, rau câu, màu vàng chanh của cọng bứa, màu hồng phấn của lá mặt trăng, lá cóc, lá nhái, lá lục, đọt vừng, săn máu, lá cách, đinh hương, tính ra phải đến hơn 30 loại rau  chỉ có thể tìm được nơi đây càng tăng thêm phần thi vị đối với anh em nhà bánh canh và bánh tráng phơi sương Trảng Bàng.

Mô tả ảnh
 

Những hương vị độc đáo của rau vườn, rau rừng, rau sông hòa quyện vào cái cay nồng của ớt, tiêu, vị ngọt ngào của nước dùng và hơi nóng hừng hực của tô bánh canh sẽ làm cho bất cứ ai cũng nhớ mãi khi thưởng thức. Lúc dùng rau sông, thực khách an tâm tuyệt đối, vì chúng không có uống thuốc bảo vệ thực vật. Và nói theo cô Ba Thu Hà là vừa sạch, vừa an toàn, cũng vừa có nhiều vị thuốc tốt cho con người.

Sang đầu thế kỷ 21, bánh canh giò heo và  thịt heo luộc cuốn bánh tráng phơi sương thương hiệu Trảng Bàng, một đặc sản Tây Ninh được biết đến từ quán bà Út Huệ  hầu như đều có mặt tại các thành phố lớn. 

Quán bánh canh giò heo Út Huệ trải qua gần bốn mươi năm tồn tại, trải qua nhiều thế hệ con cháu đã hình thành chuỗi bánh canh, bánh tráng phơi sương gia đình hậu duệ của bà Út Huệ. Quán bánh canh Trang Bảng cô Ba Thu Hà  trên trục quốc lộ 22, cách chợ mới Trảng Bàng 200 thước, hướng TP.HCM lên Tây Ninh, là nơi thoáng mát, lịch sự.

Mô tả ảnh
 

Những sợi bánh canh trắng ngần, dai dai, những miếng bánh tráng phơi sương mềm mềm dẻo dẻo, vị ngọt của nước lèo, miếng thịt luộc qua bàn tay của Cô Ba Thu Hà trở nên đậm đà hương vị và tỏa hương thơm ngào ngạt. Trong những sớm mai nắng vừa lên, những  buổi chiều mưa lạnh lẽo, xì xụp tô bánh canh giò heo nóng hổi vừa thổi vừa ăn, hay chậm rãi thưởng từng cuộn bánh tráng phơi sương hòa quyện thịt luộc với  rau vườn, rau rừng thì không còn gì sánh bằng.

Cô Ba Thu Hà tần tảo, cô Ba Thu Hà hiếu khách đã làm cho các du khách không thể nào quên được, các đoàn khách du lịch  luôn ghé lại quán cô Ba Thu Hà ăn sáng  trên đường đi Campuchia.

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.