Lê Cát Trọng Lý và dàn nhạc trong "Miền không tên"

Lý khoe, có nhiều bài hát mới trong chương trình "Miền không tên", nhưng chính cô cũng "tự thú":"em vẫn viết các ca khúc gây... buồn ngủ". Lý biết "tạng" của mình, và biết rõ, khán giả vẫn yêu mình vì cái "tạng" đó. Các bài hát Lý viết, vẫn giai điệu đơn giản, nên nhiều tác phẩm Lý hát trong chương trình là ca khúc mới, nhưng khán giả vẫn thấy Lý của 10 năm trước. Tuy nhiên, đêm qua, các nghệ sĩ tứ tấu đàn dây, những nghệ sĩ kèn oboe/clarinet đã đưa những giai điệu của Lý vào một không gian khác, mới mẻ và có tầm vóc, qua sự hòa âm mới. Quan trọng hơn, khán giả của Lý vẫn cứ cười ồ, khi Lý hỏi: "Các cô chú, anh chị có buồn ngủ không ạ?".

Giữa hai phần chương trình, Lý nài nỉ người xem giải lao, nhưng họ vẫn ngồi im, và chẳng có cách nào từ chối tấm thịnh tình ấy, Lý phải hát tiếp.

Có lẽ, Lý có một lượng fan đặc biệt, họ chỉ không yêu âm nhạc của Lý, họ yêu luôn con người và sự kiên định trong việc xây dựng một con đường khác người của Lý.

Hình trong album "Dream" của Lý

"Miền không tên" của Lê Cát Trọng Lý  bao gồm 14 ca khúc lãng mạn, trải dài trong quãng thời gian từ khi Lý bắt đầu viết đến nay. Các bài hát đều được hình thành từ các giai điệu mang tính chất sử thi, cổ tích, ngụ ngôn như tưởng tượng và mong ước của cô từ lúc bé về một vùng đất có thật nhưng không ở đây, vùng đất cũng là chủ đề chính của đêm diễn lần này. Bên cạnh các ca khúc Lý viết tự do, có hai ca khúc nhạc phim, Lý được "đặt hàng". Có bài Lý "sợ" vì triết lý yêu từ tiền kiếp, như trong ca khúc “Ta hứa sẽ nhận ra” (được đặt hàng bởi Nhà sản xuất phim "Tấm cám"), có bài Lý thích, như “Đi qua bóng đêm”(được đặt hàng trong phim “Cuộc đời của Yến”). 

Lê Cát Trọng Lý biểu diễn "Ta hứa sẽ nhận ra" trong show diễn ngày 19/8 tại Hà Nội (clip do Nhà báo Chu Minh Vũ chia sẻ)

10 năm, Lý hát nhiều show, đa phần là các show nhỏ nhỏ. Trung tâm Văn hóa Pháp Hà Nội là nơi “hẹn hò” của nhiều khán giả với Lý nhất. Lần duy nhất, Lý xuất hiện trên sân khấu hàng chục ngàn người, là khi Quốc Trung mời Lý tham gia Moonson Music Festival năm 2015.

Âm nhạc của Lý cũng phù hợp với không gian ấm cúng đó, vì nó là lời tự sự của Lý, gửi đến với cuộc đời. Cho dù đó là cảm giác “chênh vênh” trong tình yêu như ngày Lý 20, hay khi Lý đặt mình vào những nỗi niềm của người khác (khi Lý viết nhạc phim), hoặc cả khi Lý đối thoại với các vì sao, và với mặt trời, thì Lý vẫn sử dụng chất giọng nhỏ nhẹ, như lời thủ thỉ ấy.

Lê Cát Trọng Lý trong "Miền không tên"

Lời ca Lý viết, qua thời gian, ngày càng trở nên khiêm nhường, và người nghe ngày càng có cảm giác gần gụi với âm nhạc của Lý. Vì thế, sự lên gân trong “Chênh vênh”, của một cô gái trẻ cố tỏ mình già dặn, nay được thay bằng những lời tự sự giản dị hơn. Cho dù, người ta vẫn thấy Lý học được đâu đó trong Phật giáo, trong những cuốn sách Thiền một tinh thần sống, mỗi ngày như một dày hơn. Nhưng sự bình an đó cũng là thứ Lý từng quyết “không bao giờ đánh đổi danh dự, tiền bạc hay quyền lực để đánh mất”.

Sự bình an cả trong cách sống và trong âm nhạc cũng là cách Lý quy tụ được về xung quanh mình nhiều sự chia sẻ hơn, của những người bạn nghề. Đó là người bạn chơi piano từ Sài Gòn luôn đồng hành cùng Lý. Là cellist Thanh Tú – người thổi hồn vào các ca khúc của Lý gần đây bằng những bản hòa âm, phối khí mới mang phong cách cổ điển. Tất cả họ chứ không phải riêng Lý, đã tạo ra một không gian âm nhạc mà Lý từng ước mơ. Tất nhiên, là Lý và các bạn của mình vẫn đang đi tới, họ chưa dừng lại, nhưng khán giả trung thành của Lý vì thế, ngày càng được hưởng thụ những điều đẹp đẽ hơn trong sự kết giao giữa những mối duyên âm nhạc Lý tạo thành.

Lý giờ đây vẫn nhỏ nhẹ và trong sáng, nhưng tuyệt đối không “trong sáng trẻ con”. Vì là trẻ con là thứ Lý ước mơ, cũng như Lý đang mơ:“Lại đây ngồi xuống nghe trái tim đang yêu/ Lại đây ngồi xuống, cùng nhau chia chút vui êm đềm, cùng nhau xem nắng lên..” (trích lời ca khúc “Ngây ngây”). Mong ước của Lý luôn giản dị như thế, nhưng giữ được nó, hẳn là Lý đã không đi tới bằng ước mơ, mà thực sự là bằng khát vọng.

Điều đó phần nào lý giải, vì sao 10 năm qua Lý vẫn viết và hát một thứ âm nhạc không khác biệt với ngày đầu tiên, nhưng cái tên Lê Cát Trọng Lý chưa bao giờ "nguội" với người đã lựa chọn Lý để yêu. Và lần này, "Miền không tên” dù được tổ chức sau show diễn “Ở đây, kia và khắp mọi nơi” hồi giữa tháng 8, nhưng ngoài những hàng ghế chính tại Hội trường Trung tâm Văn hóa Pháp, ban tổ chức vẫn phải xếp thêm nhiều ghế phụ. Chương trình diễn ra hai đêm ở Hà Nội. Sau đó, cô gái bé nhỏ sẽ mang “Ở đây, kia và khắp mọi nơi” vào Tp.HCM cuối tháng 9 này.

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Ban tổ chức cung cấp

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.