Tết này nhà bạn có món gì? Từ câu hỏi ấy, Đẹp tìm về căn bếp.

Những ấm – lạnh trong mỗi căn nhà đều tỏa ra từ bếp. Và trong mùi khói xưa của ký ức, trong không khí tiện lợi của đời sống hiện đại hôm nay, căn bếp đã theo thời gian thay đổi thế nào? Lần theo hành trình đó, Đẹp có câu trả lời về vai trò và tâm thế của người giữ lửa trong gian bếp ấy hôm nay.

Chỉ cần người bên cạnh thích món nào đấy tôi sẽ học nấu

- Các cô gái thường hay update trên facebook hình món đồ mới, buổi đi ăn sang chảnh mà ít khi khoe những món ăn họ nấu. Hay tại phụ nữ đẹp bây giờ quên hết chuyện bếp núc thường tình nhỉ?

- Ồ không, tôi thích bếp lắm lắm. Mà tôi nghĩ là phụ nữ thì nên biết nấu ăn, dù bây giờ cuộc sống bận rộn, chuyện nấu cơm hàng ngày sẽ khó hơn, nhưng có thể giữ lửa tuần 2-3 lần thì không phải chuyện “hái sao trên trời”. Tôi không phải là cô gái biết nấu ăn quá ngon, nhưng tôi yêu bếp.

Trong căn nhà của mình, bếp là không gian tôi thích nhất. Mà tôi có thói quen kỳ lắm, mỗi khi không vui hoặc quá vui tôi lại xuống bếp nấu. Những lúc ấy tôi thường tìm thực phẩm trong tủ, cứ còn gì tôi sẽ mang ra chế biến, món nấu ra có khi ăn được, có khi không ngon, nhưng tôi cứ làm. (cười).

Hoa hậu Dương Mỹ Linh

- Một cô gái miền Tây sống với một người đàn ông gốc Bắc, bếp của chị vì thế dậy những mùi gì?

- Đúng là tôi miền Tây, nhưng giờ đây tôi thích món Bắc lắm rồi. Là một người thích nấu, thích nhìn người thân ăn uống, nên chỉ cần biết người bên cạnh thích một món nào đấy tôi sẽ học nấu cho kỳ được. Tôi tin cứ làm từ từ sẽ ngon.

Như anh Kiều, anh ấy ăn đồ mẹ nấu mấy chục năm đã là một thói quen, khó ai có đủ tài năng thể thay đổi được khẩu vị của anh ấy. Tôi vì thế không cố nấu những món quen thuộc mà mẹ anh ấy nấu rất ngon rồi, tôi học để làm món mới. Chẳng hạn phở gà mẹ anh Kiều nấu là ngon nhất thế giới, tôi không làm được món đó ngon như bà, tôi sẽ học nấu phở bò. Khi học được món mới mà anh Kiều thích ăn, tôi hạnh phúc lắm. Khi tôi thương một người, tôi luôn muốn chăm chút bữa ăn cho họ.

- Bếp trong ấu thơ của chị là...?

- Bếp trong ấu thơ của tôi là một gian nhà chái, ở đó có những ngày tháng lem luốc với bếp củi nhưng tôi đã lớn lên. Bếp cũng là khu sinh hoạt chung của nhà tôi và bà ngoại. Tôi vẫn nhớ gian nhà chái ấy mỗi khi Tết về lại nhộn lên, người kho thịt, người trông bánh tét, bánh dừa. Nó chỉ là cái gì đơn giản nhưng rất ấm áp yêu thương. Những thứ đó còn mãi trong ký ức của tôi.

Giờ nhà tôi có bếp ga, bếp điện, có năm Tết về tôi vẫn nhắc mẹ mua bếp củi về đun. Và Tết đến, tôi vẫn thích nấu thịt kho trứng nước dừa bằng bếp củi. Mỗi năm vẫn làm mấy việc y chang nhau nhưng tôi vẫn thấy rộn ràng trong lòng, nên cứ đến Tết ở đâu tôi cũng muốn về.

- Chị được dạy nấu bếp từ ai?

Ngày tôi còn nhỏ mẹ đi làm ăn buôn bán nên tôi ở nhà một mình là chính. Hoàn cảnh đó buộc tôi phải lớn, tự biết chăm sóc cho mình. Rồi khi lên Sài Gòn tôi cũng vẫn giữ thói quen ăn cơm nhà. Khi qua bên Mỹ ở, tôi học được ở mẹ anh Kiều một vài món Bắc. Bây giờ đồ ăn hàng ngày trong nhà tôi toàn món Bắc. Tôi thành ra thích món Bắc từ bao giờ không nhớ. Giờ tôi làm được cải chua miền Bắc, kho cá kiểu Bắc, thích ăn canh sấu nấu sườn, thích món trứng đúc thịt kiểu Bắc, nước mắm kiểu Bắc...

Muốn về với mẹ thì phải... đấu tranh

- Bếp núc với yêu thương vậy, sao chị lại về Việt Nam ăn tết một mình?

- Là kết quả sau một quá trình đấu tranh đó! (cười)

Tôi đến với anh Kiều không biết gì về anh cả. Tôi không biết về thói quen của anh, không biết tập tục gia đình anh. Tôi chỉ biết anh ấy là một ca sĩ, một người đàn ông, không hơn! (cười). Rồi sau này tôi biết thêm con trai Bắc gia trưởng, anh Kiều lại “chuẩn Bắc” nên giữa chúng tôi từng có nhiều lần xảy ra “vấn đề”. Quan trọng là khi đã đi qua những điều đó, mỗi người giờ đây đã hòa đồng với cuộc sống của đối phương hơn. Chúng tôi đều nhận ra nếu mỗi người giữ ý của mình, chắc sẽ không bao giờ ổn được.

- Tết với chị là gì?

- Tết Việt Nam là một thứ đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi. Tôi đã từng phải thốt lên với chính mình rằng, sẽ không bao giờ để mẹ phải ăn Tết một mình thêm lần nào nữa, trừ khi có tình huống kinh khủng xảy ra tôi mới không về. Đối với người Việt, Tết là dịp sum vầy, mà mẹ chỉ có riêng tôi. Bao nhiêu năm tôi đã cùng mẹ ăn Tết, từ cái Tết khó khăn đến cái Tết tương đối rồi đến những cái Tết đủ đầy, sung túc. Tôi đã trải qua bao nhiêu cái Tết như thế cùng mẹ, nhưng những cái Tết khốn khó đã in đậm trong tôi hơn những cái tết sau này, để tôi nhận ra, chỉ cần bên nhau là qua hết.

"Tết Việt Nam là một thứ đã ăn sâu vào tiềm thức của tôi." - Hoa hậu Dương Mỹ Linh.

Tôi thấy bây giờ mình có thể thừa tiền mua bánh phồng (một loại bánh Tết của người miền Tây - PV), mua đủ thứ, nhưng đối với tôi ở dưới quê, cái không khí từ đầu tháng Chạp người dân bắt đầu thu hoạch lúa, kèm theo đó mỗi ngày là công việc khác nhau chuẩn bị cho ngày 30 Tết luôn khiến mỗi người thấy thời gian trôi đi có ý nghĩa hơn.

Văn hóa của người miền Tây trong ngày Tết là: làm bánh phồng, muối dưa cải, làm mứt... những hình ảnh đó là ký ức không thể quên trong tôi.

Bây giờ Tết đơn giản hơn do con người bận rộn nên nhiều thứ chỉ cần bỏ tiền là có thể mua. Nhưng nếu có dịp tôi vẫn muốn tự làm, vì cảm giác thực sự là Tết đang về ấm áp lắm.

- Từ ngày theo anh Kiều “về dinh” chị đã thấy có những cái Tết khác thế nào?

- Đúng, là một năm thôi. Một năm ấy đủ để tôi nhận ra, nhất định phải trở về nhà mỗi dịp cuối năm như thế này.

Dương Mỹ Linh và Bằng Kiều

- Thực ra những cô gái lấy chồng xa đòi về quê ăn Tết đang là câu chuyện thời sự ở Việt nam những năm gần đây. Chị có mách nước gì với họ?

Nhiều khi phải đấu tranh đó! Vì đôi lúc sự nhẹ nhàng của mình không thấm được tới họ đâu. Mà đôi lúc phụ nữ phải “deal” nữa (cười).

Khi tôi về Việt Nam anh Kiều ra điều kiện: Năm sau phải ăn Tết bên kia đó nhé. Tôi biết để anh ấy chấp nhận chuyện này không dễ. Thực ra anh Kiều đã thay đổi nhiều lắm, vì tôi biết trước đây không bao giờ anh ấy đồng ý chuyện này. Tất nhiên, trong cuộc sống tôi cũng phải thay đổi rất nhiều để phù hợp với anh ấy. Một Nam một Bắc đã khó, huống hồ tôi là cô gái miền Tây, còn anh Kiều “chuẩn” Bắc (cười)

- Cảm ơn những chia sẻ của chị!

Bài: Hải Khôi

Ảnh: Nhân vật cung cấp

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.