Chất giọng nửa đàn bà nửa thanh nữ

Sinh ra và lớn lên ở New York, bố là kiến trúc sư, mẹ là biên tập một tạp chí nổi tiếng, có lẽ chẳng bao giờ Kent nghĩ rằng sau này cô lại nổi danh nhờ âm nhạc. Dù mê hát từ bé, dù được lớn lên cùng Frank Sinatra, Nat King Cole hay Tonny Bennett với những ca khúc Mỹ kinh điển, nhưng Kent vẫn miệt mài theo đuổi việc học hành và không hề biết mình có một giọng hát thiên phú.

Trở thành sinh viên ngành văn chương, năm 1991, trong hành trình sang Châu Âu nghiên cứu ba ngôn ngữ Đức, Pháp, Italia để chuẩn bị lấy bằng master, định mệnh đã đẩy cô sang một hướng đi khác. Khi mới đặt chân tới London, cô đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng, và người đàn ông may mắn đó có tên Jim Tomlinson – một sinh viên khoa triết vừa tốt nghiệp Đại học Oxford.

Hai người học cùng một khóa ngắn hạn tại Trường âm nhạc Guildhall (Kent học hát, còn Jim chơi saxophone) và sau một năm, cô đã bị bầu không khí ấm cúng của làng jazz London quyến rũ. Kent quyết định ở lại, tham gia chơi nhạc cùng Jim – khi đó đã là chồng cô. 

Từ album đầu tay “Close Your Eyes” ra mắt năm 1997 tới “Love Is… The Tender Trap”, rồi “Let Yourself Go” hay “In Love Again”, thăng hoa cùng The Lyric – giành giải Album Jazz hay nhất do đài BBC bình chọn năm 2006, công chúng đã hoàn toàn bị Kent chinh phục.

Với các bản jazz standard đã được trình tấu bởi không biết bao thế hệ ca sĩ, Stacey Kent vẫn biết cách biến hóa và đặt dấu ấn của riêng mình lên đó. Không thêm vào những cảm xúc mãnh liệt, không thay đổi bất cứ thứ gì, đơn giản, cô chỉ rải một lớp ánh sáng dịu dàng lên từng nốt nhạc, rồi cứ thế, đi tới tận cùng ca khúc, và tận cùng tâm hồn mình.

Hãy nghe kỹ bản “I've Grown Accustomed To His Face” để nhận ra những nét đặc biệt trong phong cách trình diễn cũng như giọng hát của Stacey Kent – thanh tân như thiếu nữ sớm mai, nhưng nỗi lòng lại sầu muộn như thiếu phụ về chiều…

Giọng hát nhẹ nhàng trên nền nhạc jazz của Stacey Kent

Tiếng tăm của Stacey Kent đã dội ngược về nước Mỹ từ năm  2003 với album “The Boy Next Door” nhưng cô vẫn chọn London là chốn đi về của mình, nơi có những quán bar nhỏ ấm cúng, những liên hoan nhạc jazz được tổ chức quanh năm, và giọng hát độc đáo của cô cũng phù hợp đến kỳ lạ với phong cách jazz Châu Âu đương đại kiểu cách, hoa mỹ và giàu nữ tính, khác hẳn với vẻ thô tháp, mộc mạc có phần gai góc của jazz cổ điển Mỹ.

Không giống Barb Jungr, Patricia Barber, Claire Martin, Melody Gardot hay Lizz Wright luôn thách thức công chúng bằng các tác phẩm “đặc quánh” như cà phê đen, Stacey Kent mang đến cảm giác dễ chịu và gần gũi cho những người mới nghe jazz đương đại. Cô dẫn dắt họ vào một chân trời âm nhạc mới mẻ bằng sự từng trải pha lẫn nét ngây thơ tươi tắn, theo lời các audiophile sành sỏi thì “chất giọng nửa đàn bà nửa thanh nữ đó chỉ nghe một lần thôi là không bao giờ quên được”.

Đến đạo diễn “Sully” cũng tan chảy

Stacey Kent là biểu tượng của những gì được coi là nữ tính nhất làng jazz.

Trong khi hầu hết các nữ ca sĩ hát jazz khác đều sở hữu giọng nữ trung khê khàn, ám khói và thiên về bè trầm thì ngược lại, giọng hát của Stacey Kent lại khá cao, bay bổng và trong trẻo như tâm tư của thiếu nữ đang tuổi xuân thì. Phong cách biểu diễn độc đáo cùng lối hát tự nhiên trên nền ban nhạc nhỏ với tối đa 4 nhạc công luôn mang đến cho người nghe thật nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau. Khi thì là lời thì thầm nũng nịu bên tai, lúc lại như tiếng lòng xa vắng, đôi khi chẳng khác nào những yêu thương, hờn giận vừa mơ hồ vừa chân thực. 

Jay Livingston, một tác giả tên tuổi của làng nhạc Mỹ từng nhận xét về Stacey Kent như sau: “Với chúng ta, cô ấy là một bất ngờ thú vị. Không ca sĩ nhạc jazz nào trong giai đoạn này có được sức quyến rũ mãnh liệt đến vậy. Cô ấy có phong cách chững chạc chẳng thua gì Ella Fitzgerald hay Billie Holiday, nhưng đậm đà nữ tính hơn. Cô ấy hát rất rõ lời, giống Nat King Cole, không nhiều luyến láy, như đang trò chuyện với người nghe, và cách xử lý ca khúc thì… tuyệt hảo”.

 Ít ai biết rằng Clint Eastwood, ngôi sao Hollywood gạo cội, đạo diễn phim “Sully” đang khuynh đảo khắp các phòng vé trên thế giới chính là người hâm mộ nhiệt thành của Stacey Kent, ông đã bằng mọi giá mời cô về hát trong tiệc sinh nhật thứ 70 của mình…

Không bị bó buộc trong khuôn khổ hạn hẹp của contemporary jazz, kể từ “Breakfast On The Morning Tram”, “Raconte-Moi” cho tới “Dreamer In Concert”“The Changing Lights”, Stacey Kent đã thử sức với các biến tấu của dòng standard pop qua các bản nhạc bất hủ gắn liền với tên tuổi của Frank Sinatra, bập bùng với một chút soft rock và folk rock khi cover những ca khúc nổi tiếng của James Taylor hay Fleetwood Mac, phiêu bồng cùng chất bossa-nova tung tẩy của xứ Brazil. Qua giọng ca Stacey Kent phối hợp cùng ban nhạc do chồng cô – saxophonist Jim Tomlinson cầm trịch, sự tinh tế, nét ngẫu hứng duyên dáng là những khái niệm tưởng chừng như có thể chạm vào được…

Giọng ca khiên đạo diễn bộ phim "Sully" đình đám cũng phải tan chảy

“Tenderly”, album mới nhất của Stacey Kent, được coi là hành trình về với dòng jazz standard theo đúng tinh thần Mỹ và đã được cộng đồng yêu jazz cũng như giới audiophile nhiệt tình đón nhận ngay sau khi ra mắt. Cùng chồng rong ruổi gần 20 năm, từ cuộc đời cho đến phòng thu âm, tới các sân khấu biểu diễn ở khắp nơi trên thế giới, Stacey Kent cũng được coi là biểu tượng cho sự bền vững, thủy chung của cả hai yếu tố gia đình và sự nghiệp…

Bài: Hoài Điệp

Nguồn video: Stacey Kent VEVO - Youtube Channel

Nhãn:

Đăng nhận xét

Author Name

Biểu mẫu liên hệ

Tên

Email *

Thông báo *

Được tạo bởi Blogger.